Trần Thụy Hương Quỳnh hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ năm hai chuyên ngành Thận, Đại học Y khoa Kansai, thành phố Osaka. Thời gian đầu đến Nhật, điều ám ảnh và khiến Quỳnh mệt mỏi nhất là tìm nhà.
Quỳnh sang Nhật du học tháng 3/2021, sau khi tốt nghiệp ngành y đa khoa tại Đại học Quốc gia TP HCM. Ký túc xá của trường lúc đó đang xây nên Quỳnh được hỗ trợ ở nhà khách một tháng đầu, sau đó phải tự ra ngoài thuê phòng.
Chưa quen cuộc sống ở Nhật, nghiên cứu sinh 26 tuổi nhờ các anh chị khóa trên tìm giúp phòng trống và được khuyên nên thông qua công ty môi giới bất động sản kết nối với chủ nhà.
Căn hộ Quỳnh thuê trọ nằm ở tầng hai tòa chung cư thấp tầng ở Hirakata – thành phố vệ tinh của Osaka. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Quỳnh muốn thuê phòng sàn gỗ, với giá trên dưới 30.000 yen (6-7 triệu đồng) một tháng, ưu tiên gần ga tàu và trường, an ninh tốt và có cửa sổ. Sau khi nói rõ yêu cầu, Quỳnh được giới thiệu 5-6 lựa chọn nhưng chỉ ưng được hai căn để xem trực tiếp.
Căn đầu tiên giá rẻ, rộng rãi nhưng ở tầng trệt; thẳng đường vào nhà và không có hàng rào bao quanh khiến em cảm giác thiếu an toàn. Nhà lại gần bờ kênh nên mùa mưa sẽ có muỗi, gián, chuột. Quỳnh quyết định không thuê.
Căn thứ hai nằm trong một chung cư bốn tầng, mỗi tầng năm phòng, và chỉ cách trường 10 phút đi bộ. Căn phòng khép kín ở tầng hai, diện tích khoảng 12 m2, chỉ gồm bếp và điều hòa, có giá ban đầu 33.000 yen (6 triệu đồng) một tháng.
Không rành tiếng Nhật và cũng không hiểu luật, Quỳnh nhờ một cô giáo trong khoa dẫn đi xem nhà và thương thảo. Nhờ đó, em được giảm giá còn 30.000 yen. Ngoài tiền nhà, mỗi tháng Quỳnh mất thêm 10-15.000 yen tiền điện, nước và wifi. Quỳnh cho hay, khu vực em sống là Hirakata – thành phố vệ tinh của Osaka – nên giá thuê phòng “mềm” hơn các nơi khác.
“Nên nhờ anh, chị khóa trên hoặc thầy, cô tại trường hỗ trợ thuê nhà. Họ không chỉ biết tiếng Nhật, mà còn hiểu phong cách làm việc của công ty môi giới ở đây”, Quỳnh nói, cho biết đã gắn bó với căn phòng đầu tiên suốt hai năm qua.
Quỳnh tới thăm đền Oyama-jinja tại tỉnh Kanazawa, Nhật Bản, năm ngoái. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Theo Quỳnh, du học sinh có thể tự đi thuê và thỏa thuận với chủ nhà. Tuy nhiên Nhật quy định người thuê phải qua công ty môi giới. Bằng cách này, khách sẽ đỡ mất thời gian, không phải lo thủ tục và được bảo vệ bằng hợp đồng. Lúc Quỳnh mới chuyển vào, bếp nấu bị hỏng. Nhờ có hợp đồng, em được chủ nhà thay bếp mới.
Khi thuê nhà, du học sinh phải đặt cọc gấp khoảng ba lần số tiền thuê hàng tháng. Số tiền này được sử dụng để tu sửa căn hộ sau khi người thuê rời đi hoặc thay thế một số thiết bị hư hại trong quá trình sống ở đây. Lần đó, Quỳnh tốn 100.000 yen (khoảng 20 triệu đồng) cho tháng đầu đặt cọc cũng như phí dịch vụ cho công ty môi giới.
Ở Nhật bốn năm, Thái Minh Thư, sinh viên Đại học châu Á Thái Bình Dương Ritsumeikan (APU), cũng có kinh nghiệm thuê nhà do từng có thời gian “lùng sục” chỗ ở. Thư ở trong ký túc xá một năm, mỗi tháng hết 49.000 yen (khoảng 10 triệu đồng) bao gồm điện, ga, nước và wifi. Có phòng ngủ và toilet riêng nhưng Thư phải dùng chung phòng tắm, nhà bếp, nhà ăn và phòng giặt.
Muốn có không gian riêng tư và khép kín, nữ sinh chuyển ra ngoài để có thể ở chung với 2-3 bạn, thuê kiểu phòng Tây Âu hiện đại, nhà tắm mới, gần trạm xe buýt (đi bộ không quá 8 phút), siêu thị hoặc chợ và phải có cửa sổ.
“Tiêu chí quan trọng nhất của em là giá tiền phù hợp và bạn ở chung ăn ý”, Thư nói.
Hiện Thư và bạn thuê chung căn phòng kiểu hiện đại, với giá 9 triệu đồng một tháng.
Du học sinh Việt cho hay, Nhật có nhiều kiểu nhà thuê nên du học sinh cần có kiến thức để lựa chọn cho phù hợp sở thích và nhu cầu. Với kiểu truyền thống, phòng sẽ được lót chiếu tatami, mát vào mùa hè và ấm vào mùa đông. Tuy nhiên nếu chọn dạng phòng này, người ở phải cẩn thận và giữ gìn. Nếu lỡ làm đổ thức ăn hay đồ uống xuống sàn sẽ rất khó vệ sinh và gây ẩm mốc.
Hơn nữa, chiếu tatami dễ bị trầy, xước, bong ra hoặc bị lún nếu đặt kệ, tủ, giường nặng hay có chân sắt nhọn. Trong trường hợp làm rách chiếu, người thuê phải mua đền cho chủ nhà. Mỗi tấm chiếu có giá 7.000 yên (khoảng 1,3 triệu đồng).
“Nếu không cẩn thận, bạn đừng nên chọn loại phòng truyền thống mà hãy thuê phòng hiện đại”, nữ sinh năm cuối ngành Marketing gợi ý.
Kiểu phòng hiện đại có sàn lót gỗ hoặc gạch, dễ vệ sinh và đặt đồ nặng nhẹ đều thoải mái. Nhưng vào mùa đông, bạn nên mua thảm lót để không bị lạnh khi đi trên sàn.
Ngoài hai dạng phòng trên, những tờ quảng cáo thuê nhà ở Nhật thường ghi nhà 1DK, 2DK, 3DK, 3LDK… Đây là cách viết tắt cho số phòng và công năng sử dụng. Trong đó, chữ số chỉ số phòng ngủ, DK là khu vực phòng ăn và bếp (dining/kitchen area), còn LDK tức vừa có bếp, phòng ăn và phòng khách (dining/kitchen/living area).
Thư ví dụ, nhà 1DK nghĩa là nhà một phòng ngủ và một bếp ăn. Tương tự 2DK, 3DK là nhà cho 2-3 người vì có 2-3 phòng ngủ và một bếp. Muốn rộng hơn, bạn có các lựa chọn 3LDK, 4LDK, thậm chí 6LDK gồm 3-6 phòng ngủ, một bếp và một phòng khách. Nhà càng nhiều phòng ngủ, giá thuê sẽ càng cao.
Để thuê được phòng, du học sinh cần có thẻ cư trú, sim điện thoại, tài khoản ngân hàng hoặc thẻ sinh viên, dấu mộc (inkan). Hợp đồng thuê nhà ở Nhật không cho ở quá số người mà kiểu trọ quy định.
Trong hợp đồng, du học sinh cần lưu ý một số điểm như hỏi địa chỉ nhà, thông tin người đứng hợp đồng, hạn đóng tiền nhà, cách thức trả tiền hay có được nuôi thú cưng không…
“Trong trường hợp của em, nếu quên chuyển tiền nhà vào tài khoản tháng đó, sẽ có một công ty bảo hộ đứng ra trả giúp. Nhưng sau đó em phải trả lại cho công ty ấy tiền nhà và tiền phạt. Quá thời hạn, tiền phạt sẽ tăng giống như nợ”, nữ sinh hiện ở thành phố Beppu, thuộc tỉnh Oita, giải thích.
Tuỳ từng tiêu chí mỗi người nhưng Thư cho rằng không nên thuê nhà quá cũ vì sẽ bị ẩm mốc, gián và côn trùng.
“Đừng nên thuê tầng một vì sẽ nhiều người qua lại gây tiếng ồn. Tránh chọn nhà hướng Bắc vì thiếu nắng hay chọn nhà phía Tây vì mặt trời lặn sẽ hắt nắng vào gây khó chịu. Nếu chọn được hướng Nam hay Đông Nam càng tốt. Nên chọn nhà có cửa sổ ở các phòng ngủ để thông thoáng không khí”, cô gái 22 tuổi gợi ý.
Giá thuê hợp lý mỗi tháng tầm 23.000 yen tới 25.000 yen (4,6-5 triệu đồng). Thư khuyên những sinh viên mới sang Nhật có thể ở trong ký túc xá để làm quen môi trường. Sau đó, nếu muốn trải nghiệm sống trọ ở Nhật, bạn có thể thuê lại nhà từ anh chị đi trước hoặc thuê trực tiếp từ công ty môi giới bất động sản.
Ưu điểm khi thuê nhà từ anh chị khóa trước là có người dẫn dắt về thủ tục và được nhượng lại đồ đạc trong nhà với giá rẻ và không mất phí đầu vào.
“Tuy nhiên, thủ tục sẽ hơi rắc rối vì phải đổi chủ hợp đồng với công ty bất động sản hoặc chủ hộ”, Thư nói. “Nếu gặp khó khăn về tiếng Nhật, bạn có thể nhờ ai giỏi tiếng đi theo dịch hộ hoặc nhờ công ty môi giới cử nhân viên biết tiếng Anh đi cùng để làm việc với mình”.
Theo VnExpress