Dấu ấn Thủ tướng Abe trong thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực Việt – Nhật
Điểm lại các sự kiện, có thể thấy những đóng góp đặc biệt của cố Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đối với quan hệ Việt – Nhật trên nhiều lĩnh vực, trong đó có hợp tác lao động, phát triển nguồn nhân lực.
Kể từ khi Nhật Bản và Việt Nam bắt đầu thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973, hợp tác giữa hai quốc gia đã không ngừng phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội và giao lưu Nhân dân. Năm 2014, hai nước đã nâng cấp Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Nhật Bản thành Quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á.
Trong thời kỳ lãnh đạo của Thủ tướng Shinzo Abe, Nhật Bản trở thành một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam, trở thành nước tài trợ vốn hợp tác phát triển chính thức (ODA) lớn nhất của Việt Nam. Từ năm 2014 đến 2018, Nhật Bản tài trợ khoảng 280 triệu USD vốn ODA hỗ trợ Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng, quản lý nguồn nhân lực, môi trường và hành chính công. Nhật Bản cũng là nhà đầu tư có tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhiều thứ hai tại Việt Nam, là đối tác du lịch thứ ba của Việt Nam, và là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam.
Trong nhiệm kỳ của mình, với tinh thần nhân văn và chia sẻ, chủ trương linh hoạt và mở cửa, Thủ tướng Abe là người đưa ra chính sách tăng cường tiếp nhận lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam. Từ chính sách dưới thời ông Abe, hàng vạn người Việt Nam đã có cơ hội làm việc tại Nhật Bản, hàng nghìn gia đình đã thoát nghèo, nhiều địa phương có thêm nguồn lực dành cho phát triển.
Nhật Bản chính thức tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam từ năm 1992 và hiện là một trong những thị trường lao động trọng điểm Việt Nam đưa người lao động sang làm việc, chiếm trên 60% số lao động đi làm việc ở các quốc gia và vùng lãnh thổ hàng năm. Từ khởi điểm ban đầu, Nhật Bản chỉ tiếp nhận một loại hình tu nghiệp sinh, đến nay, hợp tác nguồn nhân lực giữa hai quốc gia đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng lẫn loại hình tiếp nhận. Nhật Bản hiện đang tiếp nhận lao động Việt Nam dưới các hình thức: thực tập sinh kỹ năng; điều dưỡng hộ lý theo hiệp định VJEPA; lao động kỹ thuật; lao động kỹ thuật đặc định.
Giai đoạn 2017-2019, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Abe Shinzo số lượng thực tập sinh Việt Nam được Nhật Bản tiếp nhận không ngừng tăng. Đến nay, đã có trên 350.000 lượt thanh niên Việt Nam tới Nhật Bản để thực tập kỹ năng và khoảng 60.000 lao động kỹ sư, phiên dịch Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản. Riêng năm 2019, số lượng thực tập sinh Việt Nam được phái cử sang Nhật Bản đạt 82.703 người, đưa Việt Nam trở thành nước phái cử nhiều thực tập sinh nhiều nhất trong 15 quốc gia phái cử thực tập sinh đến Nhật Bản.
Thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản làm việc trong thời gian từ 3 – 5 năm tại các nhà máy, xí nghiệp, công trường…có nhiều cơ hội để tiếp cận với kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, đặc biệt là được rèn luyện trong môi trường kỷ luật lao động cao của Nhật Bản. Sau khi kết thúc hợp đồng lao động, Việt Nam sẽ tiếp nhận đội ngũ nhân lực được đào tạo một cách bài bản về chuyên môn kỹ thuật và ý thức tác phong công nghiệp, đáp ứng một phần nhu cầu tuyển dụng các công ty Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam và các doanh nghiệp trong nước.
Chương trình đưa điều dưỡng viên và hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản theo Hiệp định hợp tác kinh tế VJEPA, bắt đầu triển khai từ năm 2012, đến nay đã có 1.340 ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sang Nhật Bản làm việc. Qua các đợt thi chứng chỉ điều dưỡng quốc gia Nhật Bản, các ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam đã khẳng định được năng lực so với các điều dưỡng viên, hộ lý của các nước khác, với tỉ lệ thi đậu chứng chỉ quốc gia của Nhật Bản hàng năm rất cao (37% với ứng viên điều dưỡng và 91% với ứng viên hộ lý), trong khi ứng viên của các nước khác chỉ đạt tỉ lệ đỗ khoảng hơn 10% đối với điều dưỡng và trên 30% đối với hộ lý.
Hợp tác về giáo dục nghề nghiệp giữa hai quốc gia từ năm 2016 đến nay cũng phát triển đa dạng. Đó là hợp tác với JAVADA trong đào tạo kỹ năng đánh giá cho giáo viên dạy nghề tại Việt Nam; Chương trình thúc đẩy hệ thống đánh giá kỹ năng nghề (SESPP); Dự án Hợp tác kỹ thuật về giáo dục nghề nghiệp sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại để giúp các trường nâng cao năng lực giáo viên và cán bộ quản lý; Tổ chức xây dựng và triển khai chương trình đào tạo theo Mô hình giáo dục KOSEN tại các trường cao đẳng nghề của Việt Nam…
Ngày 6/6/2017, tại thủ đô Tokyo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo chứng kiến Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Việt Nam Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ Lao động – Y tế – Phúc lợi Nhật Bản Yasuhisa Shiozaki trao bản Ghi nhớ thỏa thuận hợp tác về thực tập sinh kỹ năng (MOC)
Năm 2017, trong chuyến thăm Nhật Bản và tham dự Hội nghị Tương lai Châu Á của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam), lãnh đạo hai Chính phủ đã chứng kiến việc ký Bản ghi nhớ hợp tác về chế độ thực tập sinh kỹ năng trên cơ sở luật mới của Nhật Bản về Chương trình thực tập kỹ năng và bảo hộ thực tập sinh kỹ năng.
Năm 2019, trong khuôn khổ chuyến tham dự Hội nghị cấp cao G20 và thăm Nhật Bản của đoàn công tác Thủ tướng Việt Nam, cơ quan chức năng hai nước đã ký Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản về khung pháp lý cơ bản thực hiện Chương trình Lao động kỹ năng đặc định (MOC); Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam và Viện Công nghệ quốc gia KOSEN Nhật Bản về việc tiếp tục các hoạt động hợp tác nhằm hướng tới mô hình đào tạo KOSEN tại Việt Nam.
Với sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo cấp cao hai nước và đóng góp trực tiếp của cá nhân Thủ tướng Abe Shinzo, hợp tác Việt Nam – Nhật Bản trong lĩnh vực phái cử thực tập sinh/lao động sang Nhật Bản ngày càng phát triển, góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước, qua đó hiện thực hóa và nâng tầm mối quan hệ Việt Nam – Nhật Bản trở thành Đối tác Chiến lược sâu rộng vì Hòa bình và Thịnh vượng ở châu Á.
Ngày 20/6/2022 tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Tổ chức phát triển nhân lực quốc tế Nhật Bản (IM Japan) đã ký thỏa thuận đưa thực tập sinh Việt Nam sang thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản. Thực tập sinh hoàn thành chương trình thực tại Nhật Bản về nước đúng thời hạn, sẽ được nhận khoản tiền khuyến khích phát triển sự nghiệp tại Việt Nam 600.000 yên/3 năm thực tập hoặc 1 triệu yên/5 năm thực tập (tương đương khoảng 100 – 180 triệu đồng). |
Theo Dân trí.