Nhật Bản không hủy bỏ hoàn toàn chương trình thực tập sinh kỹ năng
Đây là khẳng định của Bộ trưởng Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản Kato Katsunobu liên quan đến đề xuất bãi bỏ chương trình thực tập sinh nước ngoài đang gây nhiều chú ý trong dư luận.
Sáng 5/5, tại trụ sở Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Bộ trưởng Đào Ngọc Dung hội đàm với Bộ trưởng Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản Kato Katsunobu về các vấn đề hai bên cùng quan tâm, trong đó có chương trình thực tập sinh kỹ năng.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ vui mừng được tiếp đón ông Kato Katsunobu đến thăm và làm việc, kể từ lần gặp gỡ gần nhất vào tháng 9 năm ngoái. Ông cảm ơn các cơ quan Nhật Bản trong việc phối hợp với Việt Nam triển khai hiệu quả nhiều chương trình, trong đó, lĩnh vực hợp tác lao động và phát triển nguồn nhân lực đạt nhiều kết quả tốt đẹp.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung gặp gỡ Bộ trưởng Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản Kato Katsunobu.
Đáp lời lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam, ông Kato Katsunobu chia sẻ, năm 2023 đúng vào dịp hai nước Việt Nam – Nhật Bản kỉ niệm 50 thiết lập quan hệ ngoại giao. Ông nhấn mạnh, đây là năm rất tốt để hai nước khôi phục lại các hoạt động hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lao động, việc làm.
Đề cập tới vấn đề lao động, ông Kato Katsunobu cho biết, gần đây nhiều phương tiện truyền thông có đưa tin Nhật Bản hủy bỏ chương trình thực tập sinh kỹ thuật. Điều này làm cho nhiều người lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam lo lắng.
Bộ trưởng Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật cho biết, trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi quy định liên quan đến tiếp nhận thực tập sinh, lao động nước ngoài, hội đồng chuyên gia nước này có nhắc tới cụm từ “hủy bỏ”. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa Nhật hủy bỏ chương trình này.
“Hiện Chính phủ Nhật đang tiến hành rà soát lại chương trình thực tập sinh kỹ năng và lao động kỹ năng đặc định, sao cho hoạt động này tốt hơn, hiệu quả hơn. Thực chất, chúng tôi không hủy bỏ toàn bộ chương trình”, ông Kato Katsunobu khẳng định.
Bộ trưởng Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản Kato Katsunobu.
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản, hiện nay, chương trình thực tập sinh kỹ năng đang triển khai với mục tiêu chuyển giao kỹ thuật, đóng góp cho việc đào tạo nguồn nhân lực với các đối tác. Tuy nhiên trên thực tế, ngoài đào tạo nguồn nhân lực, chương trình còn mang ý nghĩa bảo đảm nguồn lao động cần thiết của Nhật.
Chính vì vậy, thời gian tới, Nhật Bản vẫn sẽ giữ lại một số nội dung liên quan đến bảo đảm nguồn nhân lực trong chương trình này.
Bộ trưởng Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản cho biết thêm, hiện chương trình đang bị lợi dụng ở một số điểm, khiến các thực tập sinh bị biến thành công nhân làm công việc tay chân để đáp ứng nhu cầu thiếu hụt nhân lực trầm trọng của Nhật do tiến trình già hóa dân số.
“Việc thay đổi chương trình này, theo đó là cần thiết, nhằm xây dựng một hệ thống mới để “bảo vệ và phát triển” nguồn nhân lực. Đây được coi là bước ngoặt tư duy mới của chúng tôi trong việc tiếp nhận lao động nước ngoài.
Bên cạnh đó, thay đổi mới này cũng để tạo điều kiện cho người lao động nâng cao kỹ năng, tay nghề, để sau khi hết thời hạn làm việc tại Nhật họ có thể trở về, đóng góp cho quê hương bằng những kinh nghiệm, kỹ năng học hỏi được”, ông Kato Katsunobu nói.
Ông Kato Katsunobu sắp tới Chính phủ Nhật Bản sẽ chuẩn bị những phương án, biện pháp tuyên truyền cần thiết tới người lao động về những thay đổi của chương trình thực tập sinh kỹ năng.
“Từ nay cho tới mùa Thu, chúng tôi sẽ hoàn thiện báo cáo cuối cùng trình Chính phủ Nhật Bản về những thay đổi của chương trình thực tập kỹ năng này”, Bộ trưởng Kato Katsunobu nói.
Bên cạnh đó, người đồng cấp phía Nhật cũng đề cập đến tình trạng nhiều lao động nước ngoài làm việc ở nước sở tại bỏ trốn. Điều này khiến nhân quyền của những lao động đó không được đảm bảo.
“Nhiều vụ việc đã được đưa ra trước công luận. Chúng tôi hiểu rằng, việc để xảy ra tình trạng này là do sự thiếu hiểu biết của các doanh nghiệp phái cử ở các nước cũng như các doanh nghiệp tiếp nhận ở Nhật Bản. Người lao động phải bỏ ra chi phí quá cao cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này”, Bộ trưởng Kato Katsunobu nhận định.
Ông bày tỏ mong muốn Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản và Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam sẽ thường xuyên trao đổi, chia sẻ trong quá trình hợp tác để cùng nhau giải quyết các vấn đề liên quan đến thực tập sinh.
Đáp lời người đồng cấp, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam Đào Ngọc Dung đánh giá cao và ủng hộ việc Nhật Bản triển khai việc nghiên cứu sửa đổi quy định pháp luật hiện hành liên quan đến chương trình tiếp nhận thực tập sinh, lao động nước ngoài sang Nhật Bản thực tập và làm việc.
Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam tin tưởng, với tinh thần cầu thị và nhận định rõ xu hướng phát triển lĩnh vực nguồn nhân lực trên thế giới, phía Nhật Bản sẽ sửa đổi các quy định pháp luật liên quan, để tạo dựng môi trường làm việc cho người bản địa cũng như người nước ngoài làm việc tại Nhật Bản ngày càng tiến bộ, công bằng và hợp lý.
Trong đó, Bộ trưởng nhấn mạnh, cần thực sự đảm bảo các quyền của người lao động nước ngoài về thu nhập, bảo hiểm, các chế độ phúc lợi; đảm bảo các quyền chuyển đổi công việc một cách hợp lý, hài hòa lợi ích của cả chủ sử dụng và người lao động.
Theo Dân trí